KINH NGHIỆM ĐẠT ĐIỂM CAO KHI THI NĂNG KHIẾU NGÀNH SƯ PHẠM

THỨ NHẤT

PHẢI NẮM ĐƯỢC NỘI DUNG THI NĂNG KHIẾU

1. Thí sinh phải có mặt đúng giờ, đúng địa điểm; thi đủ nội dung theo quy định.

2. Thí sinh dự thi theo danh sách phòng thi đã sắp xếp. Mỗi thí sinh sẽ được cán bộ gọi thi phát 02 phiếu dự thi/ 01 môn năng khiếu có mã phách để dự thi.

3. Thí sinh chỉ được mang đạo cụ vào phòng thi (nếu có); không được mang đồ dùng, vật dụng nào khác vào phòng thi kể cả bút viết, thước kẻ…

4. Khi được gọi tên, thí sinh xuất trình giấy tờ cần thiết (thẻ dự thi, CCCD, nhận phiếu dự thi môn năng khiếu, điền các thông tin cần thiết của của thí sinh tại bàn gọi thi và di chuyển sang phòng bốc đề thi.

5. Tại phòng bốc đề thi, thí sinh xuất trình phiếu dự thi môn năng khiếu và phiếu chấm cho thư ký phòng thi, bốc thăm đề thi, về vị trí chuẩn bị (thí sinh cần nhớ rõ mã phách của mình, được ghi trên phiếu dự thi). Thời gian chuẩn bị tối đa 10 phút, thời gian thi năng khiếu tối đa 5 phút. Thí sinh không được viết, vẽ, đánh dấu, làm nhàu nát đề thi.

6. Khi được gọi tên (mã phách) thí sinh di chuyển sang phòng thi, thí sinh nộp đề thi cho thư ký phòng thi và phiếu chấm cho cán bộ chấm thi và thực hiện phần thi của mình khi có yêu cầu

7. Thí sinh phải giữ trật tự, không tự ý ra khỏi phòng thi.

8. Sau khi thi xong, thí sinh đến bàn gọi thi để nộp lại phiếu dự thi đã có đủ chữ ký của hai cán bộ hỏi thi, ký xác nhận theo đúng mã phách. Thí sinh nhận lại giấy tờ, tiếp tục sang phòng thi khác để thi nội dung tiếp theo (Thí sinh chỉ ra về khi hoàn thành toàn bộ các nội dung thi năng khiếu).

9. Sau khi thi xong cả 2 nội dung, nộp lại Thẻ dự thi năng khiếu cho thư ký ở phòng thi môn cuối cùng và ra khỏi khu vực thi.

THỨ HAI

PHẢI NẮM ĐƯỢC NỘI DUNG THI NĂNG KHIẾU

          Nội dung thi năng khiếu gồm 2 môn (Môn thi năng khiếu 1 và Môn thi năng khiếu 2)

1. Môn thi năng khiếu 1 (gồm 2 phần): Kể chuyện – Đọc diễn cảm

– Kể chuyện: Thí sinh tự chuẩn bị câu chuyện và có 5 phút trình bày trước Ban giám khảo

* Lưu ý: Trong phần kể chuyện, thí sinh phải lựa chọn câu chuyện phù hợp như các truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… và nghiên cứu câu chuyện để xác định cách kể phù hợp nên lựa chọn câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu, có ý nghĩa.  Đặc biệt cần chọn câu chuyện có sự thay đổi ngữ điệu giọng (của các nhân vật trong truyện). Để thực hiện tốt bài thi này thí sinh nên luyện tập đọc trước nhiều lần ở nhà. Các em có thể có thể đứng trước gương hoặc nhờ người thân ngồi nghe khi mình kể chuyện để có thể góp ý và chỉnh sửa, cách làm này sẽ giúp các em bớt bị căng thẳng hay hồi hộp khi đứng nói trước đám đông. Khi thi kể chuyện sắc thái giọng điệu kể phải phù hợp với nội dung câu chuyện để thuyết phục người nghe, âm lượng đủ nghe, ngữ điệu kể phải phù hợp với nội dung, tình tiết, tính cách nhân vật, biết kết hợp điệu bộ, cử chỉ… hỗ trợ lời kể.

– Đọc diễn cảm: Thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên và đọc diễn cảm một đoạn văn xuôi trong một tác phẩm hoặc một câu truyện ngắn hoặc một đoạn thơ do Hội đồng tuyển sinh chuẩn bị. Phần đọc diễn cảm thí sinh có 5 phút chuẩn bị, sau đó trình bày.

* Lưu ý: Thí sinh cần luyện tập thói quen đọc thầm (đọc bằng mắt) một vài lần văn bản trước khi đọc diễn cảm văn bản. Cố gắng luyện nói tránh các lỗi phát âm từ địa phương và cần luyện tập thêm về cách đọc các thể loại văn bản, lưu ý  tốc độ đọc, cường độ đọc, cần nhận biết và phân biệt văn bản thuộc các loại phong cách ngôn ngữ khác nhau: hành chính, khoa học, chính luận, nghệ thuật… để thể hiện cách đọc cho phù hợp, khi thi đọc diễn cảm cần phát âm chính xác, đọc phải rõ ràng, đầy đủ thông tin cơ bản; đồng thời ngừng nghỉ đúng chỗ, hợp lí và thể hiện được cảm nhận đối với nội dung văn bản, cần luyện giọng, chú ý biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ tay chân để tạo ấn tượng tốt với ban giám khảo.

* Điểm thi của môn năng khiếu 1 là trung bình cộng của 2 phần thi trên.

2. Môn thi năng khiếu 2 (gồm 2 phần): Hát – Nhạc

– Phần Hát: Thí sinh thể hiện một bài hát thuộc một trong các chủ đề về: Thiếu nhi, tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, thầy cô và mái trường. Thời gian trình bày: Không quá 5 phút/1 thí sinh.

* Lưu ý: Thí sinh cần nắm rõ nội dung bài hát cho phần thi năng khiếu, tránh luyện tập nhầm phải những chủ đề không được phép dự thi;lựa chọn bài hát phù hợp với giọng hát và khả năng của mình; thí sinh nhận biết được và phân biệt được một số thể loại ca khúc, chọn bài giai điệu dễ nghe và dễ hát; nên luyện tập trước nhiều lần ở nhà, chú ý đến kỹ thuật lấy hơi; Khi thi thí sinh giới thiệu tên bài hát, tác giả, biểu diễn bài hát phải phát âm rõ lời, tròn tiếng, phát âm chuẩn và thể hiện được sắc thái, tình cảm, biểu cảm của bài hát…

Phần Nhạc: Thí sinh thực hiện thẩm âm, tiết tấu theo giám khảo: ít nhất 01 mẫu Thẩm âm và 01 mẫu Tiết tấu; ưu tiên cho thí sinh biết sử dụng nhạc cụ.

* Lưu ý: Nghe giám khảo đệm đàn một đoạn nhạc và thí sinh thực hiện lại bằng âm La cho chính xác đó gọi là thẩm âm. Giám khảo sẽ vỗ tiết tấu bằng tay và thí sinh thực hiện sao cho chính xác, đó gọi là tiết tấu. Nếu lần đầu tiên các bạn chưa nghe rõ hoặc chưa tự tin thể hiện, có thể đề nghị ban giám khảo làm lại, nhưng không quá 3 lần, nên tập trung cao để lắng nghe và thể hiện chính xác ngay từ lần đầu thì thí sinh sẽ  đạt kết quả tốt

*Điểm thi của môn năng khiếu 2 là trung bình cộng của 2 phần thi trên.

THỨ BA

NHỮNG VIỆC CHUẨN BỊ VÀ CẦN NHỚ

1. Luyện tập kĩ không bao giờ thừa: Cần luyện tập thật kĩ các nội dung thi, bằng cách đứng trước gương, đứng trước một số người giả định làm ban giám khảo tập, thực hiện giả định như thi từ chào…thi… kết thúc thi nói lời cảm ơn…tham khảo viedeo các nội dung thi, nhưng cũng không nên luyện tập quá sức trước hôm thi vì điều này sẽ khiến bạn mất giọng ảnh hưởng nhiều tới kết quả…

2. Đảm bảo có sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất cho ngày thi: Đặt chuông báo thức, ngủ sớm, dạy đúng giờ… chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng cho ngày thi… nên có mặt tại điểm thi trước thời gian theo thông báo 20 đến 30 phút.

3. Trước ngày thi năng khiếu, thí sinh cần lên kế hoạch cho việc sẽ mặc trang phục gì khi đi thi? Nên trang điểm như thế nào cho phù hợp?

– Thí sinh hãy lựa chọn trang phục phù hợp với bài hát, không quá cầu kì, rườm rà (Áo dài, trang phục dân tộc… là sự lựa chọn phổ thông nhất đối với nữ, áo trắng quần tối mầu hoặc trang phục dân tộc… đối với nam, chú ý không nên đi dép lê, nên đi giày, guốc hoặc dép quai hậu…). Nên trang điểm nhẹ nhàng, không nên kẻ mắt quá sắc hoặc gắn mi quá dài hoặc dày, nó sẽ làm chúng ta mệt mỏi và ban giám khảo cũng không hề thích điều đó.

– Phong cách lịch sự, trẻ trung, hoạt bát sẽ luôn tạo được ấn tượng tốt với mọi người, cũng như điều này sẽ giúp thí sinh giảm được áp lực và tự tin hơn trong lúc thực hiện các bài thi năng khiếu.

4. Tác phong của thí sinh khi tham gia thi

Tác phong của thí sinh khi tham gia thi sẽ rất được giám khảo chú ý. Thí sinh có thể tạo một số ấn tượng tốt với ban giám khảo bằng cách: mỉm cười thật tươi, chào ban giám khảo, giới thiệu về bản thân, giới thiệu rõ ràng tên câu chuyện kể, bài đọc diễn cảm, bài hát mình sẽ dự thi, giọng to vừa phải, rõ ràng, sử dụng giọng điệu, ngữ điệu, kết hợp các cử chỉ hành động, Kết thúc phần thi, thí sinh phải chào, cảm ơn ban giám khảo rồi đi ra ngoài. Hãy chú ý tới phần chào của bạn vì cũng có rất nhiều giám khảo sẽ đánh giá qua lời chào.

          5. Tự tin vào bản thân: Khi thi đừng quá hồi hộp hay lo lắng. Nên nhớ, tự tin vào bản thân sẽ giúp các em có cơ hội tốt thể hiện bài thi của mình.

  Nguồn tin bài: ThS. Nguyễn Thái Hùng – Ban tư vấn truyền thông

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *