Học ngành Sư phạm tiếng H’Mông, sinh viên được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang mở ngành Sư phạm tiếng H’Mông vào năm 2024.

Với đặc thù là cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vùng cao có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang đã đề xuất và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở mã ngành Sư phạm tiếng H’Mông.

Đây là lần đầu tiên ngành này được đào tạo trong một trường đại học tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên am hiểu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thiểu số.

Bước tiến trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa người H’Mông

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang cho biết: “Việc đào tạo ngành Sư phạm tiếng H’Mông tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là một bước tiến quan trọng và đầy ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh văn hóa của người H’Mông.

Đây cũng là một cách để phát triển giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, giúp sinh viên có cơ hội được học tập và làm việc, phát triển tại địa phương và các cơ quan, tổ chức”.

Bên cạnh đó, theo thầy Tấn, đào tạo giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số là cần thiết để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở quy mô dạy học tiếng dân tộc thiểu số của các địa phương, năm học 2024 – 2025 cần khoảng gần 4.000 giáo viên, đến năm 2029 – 2030 cần khoảng hơn 9.000 giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số dạy học trong trường phổ thông và biên soạn 8 bộ sách giáo khoa để đưa vào dạy học trong nhà trường, trong đó có tiếng H’Mông.

Thầy Tấn chia sẻ, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của phân hiệu là 50 sinh viên, điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25,09 và đã tuyển đủ chỉ tiêu.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được tiếp cận với các môn học như Lý luận giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Phương pháp giảng dạy, đọc và viết tiếng H’Mông, Văn hóa và Lịch sử dân tộc H’Mông, và các môn học chuyên ngành khác như Ngữ âm, Ngữ pháp, Từ vựng, Văn học và Tình hình phát triển của ngôn ngữ H’Mông.

Theo đuổi ngành Sư phạm tiếng H’Mông, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết để trở thành một giáo viên giỏi, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo dục của cộng đồng người H’Mông và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thầy Tấn chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng H’Mông có thể trở thành giáo viên tiếng H’Mông tại các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học hoặc các trường nghề.

Ngoài ra, người học có thể làm việc tại các cơ quan và tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các trung tâm giáo dục tại các địa phương có đông dân tộc H’Mông như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh thành khác ở miền Bắc”.

Bên cạnh việc có thể trở thành giáo viên, sinh viên khi ra trường cũng có thể theo đuổi nhiều công việc khác như làm hướng dẫn viên du lịch cho các tour du lịch cộng đồng tại vùng người H’Mông; viết bài, biên tập các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình về văn hóa, ngôn ngữ và cuộc sống của người H’Mông; phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng H’Mông và ngược lại, giúp phổ biến kiến thức và thông tin cho người H’Mông.

Tân sinh viên Vàng Thị Thảo Hiền, quê tại xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang ngồi xe hơn 4 tiếng để lên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang nhập học ngành Sư phạm tiếng H’Mông.

Nếu không có Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, Thảo Hiền sẽ phải đi học xa nhà hơn với chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều với ở tỉnh.

Sau những buổi học đầu tiên, Hiền được học về ngôn ngữ của người Mông hoa và hiểu hơn về sự khác biệt văn hóa, phong tục giữa người H’Mông ở các nhóm, ngành khác nhau. Hiền rất kỳ vọng sẽ có một công việc tốt sau khi ra trường.

Thảo Hiền chia sẻ: “Đây là ngành học mới, khóa của chúng em lại là khóa đầu tiên nên cơ hội ra trường có việc làm rất cao. Các lớp dạy tiếng H’Mông đang thiếu nhiều giáo viên, chúng em có thể làm giáo viên trên vùng cao, hoặc làm phát thanh viên tiếng dân tộc giúp bảo tồn văn hoá của người H’Mông”.

Bạn Giàng Thị Súa là người dân tộc Mông trắng là một trong những sinh viên người H’Mông đăng ký học về chính tiếng mẹ đẻ của mình.

“Em rất tự hào và vinh dự khi chính ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình đã được đưa vào chương trình học. Em muốn được giữ gìn tiếng H’Mông cũng như chữ viết của dân tộc H’Mông ở Việt Nam.

Sau này ra trường, em có thể giúp thế hệ trẻ người H’Mông nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ và phát huy những nét văn hóa truyền thống, cũng như lan tỏa những nét đẹp của dân tộc H’Mông với tất cả các dân tộc khác.

Bên cạnh đó, em được thỏa niềm ước mơ trở thành một người cô giáo dạy chính tiếng mẹ đẻ của mình và đem đến những điều tuyệt vời cho xã hội” – Súa tâm sự.

Chính sách hỗ trợ giúp sinh viên yên tâm đến trường

Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết, sinh viên theo học ngành Sư phạm tiếng H’Mông sẽ nhận được rất nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên được miễn 100% học phí và được hưởng hỗ trợ chi phí sinh hoạt: 3.630.000 đồng/người/tháng. Như vậy, với 4 năm học, các bạn được hưởng hỗ trợ đến 145.200.000 đồng/sinh viên, chi trả trực tiếp vào tài khoản theo học kỳ hoặc năm học.

Nếu thuộc diện dân tộc thiểu số rất ít người (gồm 16 dân tộc sau: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ), sinh viên được nhận thêm mức hỗ trợ là 100% mức lương cơ sở tương đương 2.340.000 đồng/người/tháng theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP. Thời gian hưởng là 12 tháng/năm đối với sinh viên học đủ 9 tháng/năm (nếu học không đủ 9 tháng/ năm được hưởng theo thời gian học thực tế).

Sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo hưởng hỗ trợ 60% mức lương cơ sở/người/tháng, tương đương 1.404.000 đồng/người/tháng, với thời gian hưởng là 10 tháng/năm căn cứ theo Quyết định 66/2013/QĐ-TTg.

Sinh viên Hoàng Thị Hương, người dân tộc Tày ở thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Lớp em có rất nhiều bạn từ các dân tộc khác nhau. Em cũng muốn tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của người dân tộc H’Mông.

Em được nhà trường hỗ trợ về tiền học phí, học bổng dựa trên thành tích học tập hoặc hoàn cảnh kinh tế. Bên cạnh đó còn có tiền sinh hoạt, hỗ trợ học tập mở rèn luyện tổ chức các lớp học phụ đạo, hoặc dịch vụ gia sư giúp mọi người nắm vững kiến thức trong quá trình học tập. Những hỗ trợ này giúp giảm bớt áp lực, cho phép em tập trung vào việc học tập và phát triển cá nhân”.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo và sinh sống ở khu vực điều kiện kinh tế khó khăn, Giàng Thị Súa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà trường.

Súa tâm sự: “Nhà em ở huyện Đồng Văn nên cách trường rất xa. Ban đầu khi em có quyết định học đại học, bố mẹ em rất lo lắng vì không thể chu cấp tiền cho em mỗi tháng được. Nhưng em đã cố gắng thuyết phục và được bố mẹ đồng ý. Hiện em đang được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng/tháng tiền phí sinh hoạt”.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có chính sách trợ cấp xã hội và học bổng dành cho sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ; sinh viên khuyết tật theo quy định chung của Nhà nước giúp sinh viên sư phạm Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được yên tâm học tập, không còn nỗi lo về gánh nặng kinh tế.

Nguồn tin: Trần Trang – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *