SEMINAR – ỨNG DỤNG TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG TRUNG QUỐC

Dạy học dựa trên trò chơi là một phương pháp gây nhiều hứng thú cho người học nhưng đòi hỏi tính sáng tạo của người dạy để có thể vận dụng tối ưu phương pháp sử dụng trò chơi trong dạy học và đáp ứng yêu cầu của nội dung chương trình.

            Nhằm giúp các giảng viên có thể sử dụng hiệu quả phương pháp trò chơi trong giảng dạy, ngày 30/12/2024 Khoa khoa học liên ngành đã tổ chức chương trình hội thảo “Seminar – ứng dụng trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Trung Quốc”  do Tiến Sỹ Ngô Thị Hoài Linh thực hiện với sự tham dự của các giảng viên trong Phân hiệu và 20 em sinh viên lớp K2 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.

Giảng viên và các em sinh viên tham gia buổi hội thảo

            Phương pháp dạy học ngày càng được cải tiến theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức học tập của sinh viên. Bên cạnh việc tổ chức cho sinh viên biết cách tự học, làm việc nhóm,… thì việc sử dụng trò chơi trong quá trình dạy học cũng là một cách thức hữu hiệu để kích thích tính tích cực của sinh viên trên lớp. Thông qua việc tham gia các trò chơi, sinh viên được cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng một cách tự giác và tích cực.

            Tại buổi hội thảo, Tiến sỹ Ngô Thị Hoài Linh đã chia sẻ một số phương pháp và cách thức tổ chức một trò chơi, phân loại các trò chơi như ghép thanh điệu, ghép chữ, nhìn hình đoán chữ… Thông qua trò chơi giúp sinh viên tiếp cận nhanh hơn với một ngôn ngữ mới, tạo hứng thú học tập cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách đa dạng, phong phú hơn.

            Tham gia hội thảo cũng có sự góp mặt của 20 em sinh viên đến từ các lớp K2 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Tại đây các em được thực hành tham gia một số trò chơi để hiểu hơn về phương pháp học tập này và để các giảng viên tham dự có sự đánh giá khi áp dụng vào quá trình giảng dạy của mình.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đang thực hiện ứng dụng trò chơi trong học tập

            Kết quả thực nghiệm chứng minh tính hiệu quả của phương pháp trò chơi được sử dụng trong dạy học thông qua kiến thức sinh viên nhận được sau khi kết thúc trò chơi cũng như khảo sát hứng thú của sinh viên qua từng bước thực hiện.

            Việc vận dụng phương pháp trò chơi trong quá trình giảng dạy không chỉ tạo hứng thú, giúp sinh viên năng động, kích thích tính chủ động, sáng tạo của người học  mà còn góp phần phát huy tính sáng tạo của đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo của Phân hiệu.

Tin bài: KHOA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *