GIÁM ĐỐC PHÂN HIỆU ĐHTN TẠI TỈNH HÀ GIANG THAM GIA DIỄN ĐÀN HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI CÔN MINH, VÂN NAM, TRUNG QUỐC

Từ ngày 14-18/12/2023, TS. Lục Quang Tấn – Giám đốc Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang vinh dự được mời tham gia Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Nam Á và Đông Nam Á lần thứ 3 và Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Trung – Việt lưu vực sông Hồng lần thứ 5 tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.

TS. Lục Quan Tấn – Giám đốc Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang tại Diễn đàn

Việc tham gia các chương trình, diễn đàn mang tính quốc tế như trên có ý nghĩa rất lớn đối với Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang trong quá trình phát triển và hội nhập của Nhà trường. Điều đó thể hiện những nỗ lực không ngừng của Phân hiệu luôn thực hiện vì các mục tiêu đáp ứng nhu cầu của trường Đại học: xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới. Nền giáo dục đại học mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng cần hội nhập quốc tế để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, hợp tác quốc tế của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của các trường đại học theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định một trong bảy quan điểm chỉ đạo là “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”; Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng đã chỉ rõ quan điểm “Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng giao lưu hợp tác với các nền giáo dục trên thế giới, nhất là các nền giáo dục tiên tiến hiện đại; phát hiện và khai thác kịp thời các cơ hội thu hút nguồn lực có chất lượng”.

Mặc dù mới được thành lập, nhưng Phân hiệu luôn xác định: Thứ nhất, hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển trường theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, có thể rút ra các kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng, cải tiến hệ thống và quy trình đào tạo, kết hợp nghiên cứu khoa học với giảng dạy, đồng thời biết tận dụng thời cơ và lợi thế để từng bước kéo gần khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới, tạo điều kiện cho Nhà trường phát triển bền vững, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển quê hương, đất nước; Thứ hai, hợp tác quốc tế giúp thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng, phong phú với các chương trình, dự án hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác song phương và đa phương… Trong quá trình đó, có thể khai thác các cơ hội, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu chung, liên kết với các đối tác nước ngoài để từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiến tới quốc tế hóa các chương trình, giáo trình giảng dạy; Thứ ba, việc hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với sinh viên và giảng viên, mang lại cơ hội to lớn trong việc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tri thức quốc tế, cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể thu hút được các đối tác; Thứ tư, có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm quản lý và trao đổi kiến thức chuyên môn trong giảng dạy đại học.

                Đoàn Đại biểu tham dự  Diễn đàn

Với những quan điểm giáo dục tiên tiến và mục tiêu giáo dục hướng đến sự đổi mới, chất lượng sánh ngang với các trường đại học trong khu vực, quốc gia và quốc tế; cùng với thực tiễn về sự nỗ lực không ngừng của Nhà trường về mọi mặt, trong đó chú trọng nội dung chương trình đào tạo và hướng tiếp cận đổi mới theo hướng quốc tế hóa; Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang sẽ là địa chỉ tin cậy cho các thế hệ học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc Hà Giang và các tỉnh lân cận được học tập, bồi dưỡng tri thức, nơi chắp cánh cho các em được bay cao bay xa thực hiện được những ước mơ, dự định của mình và cũng sẽ trở thành trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hà Giang.

Một số hình ảnh về diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Nam Á và Đông Nam Á lần thứ 3 và Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Trung – Việt lưu vực sông Hồng lần thứ 5 tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc

———————-

Tin, bài:ThS. Phạm Thị Hồng, Giảng viên, Trung tâm ĐT,BD&PTNNL